Hotline: 0909 644 105 - 0974 471 457 kinhdoanhcty2@yahoo.com 136 Lê Văn Duyệt, Phường 1, Quận Bình Thạnh, TP HCM
Giỏ hàng(0)Giỏ hàng
Danh mục sản phẩm

Đổi mới từ ngọn, bao nhiêu cho đủ!

 

Đổi mới từ ngọn, bao nhiêu cho đủ!

 

Đầu tư viết sách giáo khoa chỉ còn 105 tỉ đồng trong khi số tiền dành để mua sắm trang thiết bị dạy học là 20.100 tỉ đồng. Con số được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố mới nhất này tiếp tục gây “sốc”

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố lại số tiền dự trù cho viết sách giáo khoa (SGK) trong đề án đổi mới chương trình - SGK là 105 tỉ đồng, thay vì 5.000 tỉ đồng như con số nêu ra trước đó.

Hơn 20.000 tỉ đồng mua thiết bị

Cụ thể, kinh phí dự kiến 34.275 tỉ đồng của đề án được chi như sau: 105 tỉ đồng dùng vào việc biên soạn chương trình - SGK; 910 tỉ đồng cho tổ chức dạy thử nghiệm chương trình, SGK mới tại 600 trường (340.000 học sinh), tập huấn, bồi dưỡng dạy thử nghiệm cho giáo viên và cán bộ quản lý (khoảng 20.000 người), cấp SGK thử nghiệm cho 340.000 học sinh, 20.000 giáo viên…; 8.150 tỉ đồng dùng cho triển khai dạy học đại trà theo chương trình - SGK mới (khoảng 30.000 trường, 15 triệu học sinh), tập huấn bồi dưỡng cho giáo viên và cán bộ quản lý (khoảng 900.000 người)…; 5.010 tỉ đồng để ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng kênh truyền thông giáo dục. Đặc biệt, đề án dành 20.100 tỉ đồng dùng để mua sắm trang thiết bị dạy học (bổ sung, thay thế khoảng 50% thiết bị tối thiểu hiện có).

 

Đề án đổi mới chương trình, SGK của Bộ GD- ĐT tiếp tục gây choáng váng Ảnh: Tấn Thạnh
Đề án đổi mới chương trình, SGK của Bộ GD- ĐT tiếp tục gây choáng váng Ảnh: Tấn Thạnh

Ngay khi Bộ GD-ĐT công bố những con số này, PGS Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT Trường THPT Lương Thế Vinh, cho hay việc bộ dành tới 20.100 tỉ đồng cho mua sắm trang thiết bị dạy học là khó hiểu. Theo chuyên gia này, nhiều thiết bị do chính Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học - Đồ chơi trẻ em của Bộ GD-ĐT sản xuất, các trường bắt buộc phải mua nhưng không thể sử dụng hoặc gặp nhiều trục trặc, phải “bó chiếu”, cất kho. “Tôi không biết bộ có thường xuyên kiểm tra việc sử dụng trang thiết bị dạy học ở các trường?” - PGS Cương băn khoăn.

Chưa có SGK, sao mua thiết bị?

Một giáo sư uy tín từng nhiều năm đảm nhận vị trí then chốt tại Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định cần phải lưu ý những khoản chi mà Bộ GD-ĐT đưa ra có hợp lý hay không. “Bộ dự kiến chi 20.100 tỉ đồng cho thiết bị nhưng hiện nay, chương trình và SGK chưa biên soạn thì chưa thể biết sẽ cần những thiết bị nào. Bởi vậy, con số này không có cơ sở chắc chắn” - GS này nói. Chuyên gia này cũng nhấn mạnh khoản chi cho trang thiết bị dạy học nên dựa vào nguồn lực xã hội. Bộ GD-ĐT chỉ cần đưa ra yêu cầu về trang thiết bị, các doanh nghiệp sẽ lo sản xuất, bán hàng theo giá cạnh tranh; còn tiền mua sắm một phần chi từ ngân sách nhà nước, một phần từ nguồn học phí.

TS Giáp Văn Dương, tác giả của GiapSchool - cổng giáo dục trực tuyến mở, cho rằng nếu Bộ GD-ĐT thấy cần thiết phải đổi mới chương trình - SGK thì cứ làm riêng phần việc đó cho hiệu quả, còn việc mua sắm trang thiết bị là kế hoạch dài hơi, thường xuyên và cũng không phải là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước nên không thể gộp hai cái vào một. TS Giáp Văn Dương cho rằng ông chưa từng thấy một đề án đầu tư nào có số tiền lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng mà sơ sài vài chục trang, hoàn toàn không phân tích được tính khả thi và phân tích tài chính như vậy.

Theo TS Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó Vụ ĐH, Bộ GD-ĐT - cách đổi mới từ ngọn của Bộ GD-ĐT thì đổ vào biết bao nhiêu tiền cho đủ? Trên thực tế, ai cũng nhìn thấy để đổi mới việc dạy và học ở phổ thông, ngành sư phạm phải chuyển động trước ít nhất 5 năm nhằm đổi mới đào tạo giáo viên. Thế nhưng, trên thực tế là các trường sư phạm vẫn chưa được chuẩn bị gì cho việc này.

Tiền nhiều chưa chắc đã thành công

GS Nguyễn Xuân Hãn, ĐHQG Hà Nội, nhận định dưới góc độ khoa học: “Vẫn con người cũ, cách làm cũ, ngược khoa học như hiện nay thì số tiền đầu tư dù có bỏ ra gấp nhiều lần cũng không làm được. Đối với những việc liên quan đến khoa học, không phải đông người và nhiều tiền là làm được”.

“Giáo dục không giống như các lĩnh vực đầu tư khác, không phải anh cứ đầu tư tiền, đầu tư công nghệ là có kết quả. Nếu con người tư duy lạc hậu, trình độ yếu kém thì dù có đổ bao nhiêu tiền vào làm chương trình - SGK, mua sắm thiết bị, xây dựng trường lớp vẫn không thành công” - TS Giáp Văn Dương nói.

 

Theo Yến Anh
Báo Người Lao Động Online

Các tin tức khác