Hotline: 0909 644 105 - 0974 471 457 kinhdoanhcty2@yahoo.com 136 Lê Văn Duyệt, Phường 1, Quận Bình Thạnh, TP HCM
Giỏ hàng(0)Giỏ hàng
Danh mục sản phẩm

Kỹ năng dùng Atlat trong môn địa lý

BÍ QUYẾT ÔN THI THPT QUỐC GIA

Kỹ năng dùng Atlat trong môn địa lý

Địa lý là một trong những môn thi được nhiều học sinh lựa chọn trong kỳ thi THPT quốc gia 2016. Để làm tốt môn này, học sinh lưu ý sử dụng Atlat

Trong quá trình ôn tập môn địa lý, học sinh cần chú ý rèn luyện các kỹ năng: Sử dụng Atlat địa lý Việt Nam; nhận xét các loại biểu đồ, đồ thị; tính toán, nhận xét, phân tích, giải thích các bảng số liệu.

Để sử dụng Atlat địa lý Việt Nam trả lời các câu hỏi trong quá trình làm bài thi tốt nghiệp, học sinh cần lưu ý các vấn đề sau:

Thứ nhất, nắm chắc các ký hiệu. Các ký hiệu sử dụng trong bản đồ được thể hiện ở trang 3 của Atlat. Việc nắm vững các ký hiệu sẽ giúp học sinh biết được các đối tượng thể hiện trên từng bản đồ vì một số bản đồ trong Atlat không in chú thích kèm theo như bản đồ khoáng sản (trang 8), bản đồ công nghiệp chung (trang 21), nông nghiệp (trang 19...). Bên cạnh đó, nắm chắc ký hiệu, các em sẽ tiết kiệm được thời gian khi làm bài thi, ghi nhớ lâu kiến thức.

 

Atlat là một công cụ quan trọng trong môn địa lýẢnh: TẤN THẠNH
Atlat là một công cụ quan trọng trong môn địa lýẢnh: TẤN THẠNH

 

Thứ hai, biết rõ câu hỏi để có thể dùng Atlat. Tất cả câu hỏi có yêu cầu trình bày về phân bố sản xuất hoặc yêu cầu nói rõ ngành đó ở đâu, vì sao ở đó... đều có thể dùng bản đồ của Atlat để trả lời. Với các câu hỏi yêu cầu trình bày tình hình phát triển sản xuất hoặc quá trình phát triển của ngành này hay ngành khác, các em cũng có thể tìm thấy một vài số liệu ở các biểu đồ trong Atlat.

Thứ ba, biết khai thác biểu đồ có trong các bản đồ của Atlat. Thông thường, mỗi bản đồ ngành kinh tế đều có từ 1 đến 2 biểu đồ (cột, đường, tròn...) bên cạnh thể hiện sự tăng, giảm về giá trị tổng sản lượng, về diện tích (đối với ngành nông - lâm nghiệp) của các ngành kinh tế. Học sinh em cần biết cách khai thác các biểu đồ trong những bài liên quan để đỡ phải nhớ nhiều số liệu trong phần lý thuyết.

Thứ tư, biết sử dụng đủ số bản đồ trong Atlat cho một câu hỏi. Trên cơ sở nội dung câu hỏi cần xem phải trả lời một vấn đề hay nhiều vấn đề, học sinh có thể xác định những trang bản đồ cần thiết vì có những câu hỏi yêu cầu sử dụng nhiều trang bản đồ, việc làm này có thể dựa vào phần mục lục cuối cuốn Atlat (trang 31).

Biểu đồ là một dạng câu hỏi không thể thiếu trong kỳ thi THPT quốc gia. Vì vậy, các em cần nắm vững kỹ năng vẽ các loại biểu đồ: Biểu đồ thể hiện cơ cấu (hình tròn, miền), biểu đồ thể hiện tình hình phát triển, so sánh (biểu đồ cột, kết hợp cột và đường), biểu đồ thể hiện tốc độ tăng trưởng (biểu đồ đường hay đồ thị).

Học sinh cần thực hành nhiều để tránh mất điểm ở bài tập này. Khi vẽ biểu đồ, các em cần vẽ chính xác, thẩm mỹ và bảo đảm đầy đủ các yếu tố tên, chú giải, số liệu… Các em cần phân biệt 2 cách xử lý số liệu cơ bản để vẽ biểu đồ: tính cơ cấu (tỉ trọng %) và tính tốc độ tăng trưởng (%).

Khi nhận xét, phân tích, giải thích bảng số liệu, học sinh cần lưu ý: Nhận xét tổng thể trước, cụ thể sau; phải nhìn bảng số liệu ở cả 2 chiều dọc và ngang; biết so sánh các yếu tố thể hiện trong bảng số liệu (tốc độ tăng, cơ cấu hoặc chuyển dịch cơ cấu), nhận xét phải có dẫn chứng cụ thể. Các ý giải thích cần dựa vào phần nhận xét, nên làm riêng biệt và ngắn gọn. Ngoài ra, các em cần nắm được các phép tính cơ bản như tính mật độ dân số (người/km2), tính năng suất (tạ/ha), tính bình quân lương thực (kg/người/năm)…

Học sinh cần kết hợp sử dụng Atlat địa lý Việt Nam khi ôn tập lý thuyết để ghi nhớ nội dung bài học.

ThS Nguyễn Đình Tình (Giáo viên Trường THPT Vĩnh Viễn, TP HCM)
Báo Người Lao Động Online

Các tin tức khác