Hotline: 0909 644 105 - 0974 471 457 kinhdoanhcty2@yahoo.com 136 Lê Văn Duyệt, Phường 1, Quận Bình Thạnh, TP HCM
Giỏ hàng(0)Giỏ hàng
Danh mục sản phẩm

Quyết định chậm sẽ gây hoang mang cho cả triệu học trò

 

Quyết định chậm sẽ gây hoang mang cho cả triệu học trò

XUÂN TRUNG

 

(GDVN) - “Bộ GD&ĐT phải công bố đề án ngay trước ngày khai giảng năm học này. Nếu quá muộn, tuy không ảnh hưởng tới tiến trình nhưng tạo nỗi lo cho học sinh”.

Trên đây là ý kiến của TS. Lê Viết Khuyến – Nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) khi chia sẻ về kế hoạch tổ chức một kỳ thi quốc gia vào năm 2015.

Mới đây Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với lãnh đạo Bộ GD&ĐT về phương án tổ chức thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học năm 2015. Phó Thủ tướng đã chỉ đạo, ngay từ 2015 sẽ chỉ còn một kỳ thi để phục vụ cả mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và làm cơ sở giúp các trường ĐH, CĐ tuyển sinh.

 

Nếu chín muồi, tổ chức càng sớm càng tốt

 

Chia sẻ với Báo Giáo dục Việt Nam, TS. Lê Viết Khuyến cho rằng việc gộp hai kỳ thi vào làm một là một chủ trương hoàn toàn đúng và chính xác, nhưng cũng không quá mới mẻ. Trên thế giới, nhiều nước từ lâu đã thực hiện một kỳ thi quốc gia như vậy. 

TS. Khuyến cho rằng, cách đây chưa lâu Bộ GD&ĐT (thời kỳ Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân) cũng đã hứa kỳ thi đó sẽ được triển khai từ năm 2014. Mới đây nhất là chủ trương tổ chức 1 kỳ thi quốc gia lại được khẳng định tại Nghị quyết 29 của Hội nghị TW8 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. 

TS. Lê Viết Khuyến trao đổi với phóng viên. Ảnh Xuân Trung

Tuy nhiên có điều lạ là không rõ vì sao Bộ cứ liên tục "gia hạn" cho thời gian triển khai chủ trương này?

Theo quan điểm của TS. Lê Viết Khuyến, nếu như Bộ GD&ĐT thực sự thông suốt  với chủ trương này thì từ năm 2015 có thể tổ chức 1 kỳ thi quốc gia chung. Và Bộ GD&ĐT có thái độ cầu thị, huy động trí tuệ của các chuyên gia cả trong lẫn ngoài nước (chứ không phải chỉ có các chuyên gia nước ngoài).

Nếu đáp ứng được các yêu cầu trên thì ngay năm 2015 chúng ta sẽ có một kỳ thi quốc gia "chấp nhận được". Còn để có 1 kỳ thi quốc gia "hoàn hảo" cần phải có thời gian, phụ thuộc vào sự trưởng thành của đội ngũ chuẩn bị kỳ thi.

“Còn trong trường hợp không đáp ứng được các yêu cầu trên thì mốc thời gian triển khai một kỳ thi quốc gia phải lui lại sau năm 2015; lui lại bao nhiêu năm phụ thuộc vào câu trả lời của Bộ GD&ĐT” TS. Khuyến cho hay.

Hiện đã có một số trường đại học, cao đẳng công bố điểm thi. Ngay lúc này bạn đọc, các sĩ tử có thể vào Báo điện tử Giáo dục Việt Nam để tra cứu.

Qua khảo sát ý kiến của chúng tôi, khi gộp hai kỳ thi thành một với hai mục tiêu cơ bản là công nhận tốt nghiệp THPT và xác định dữ liệu cho các trường ĐH, CĐ làm căn cứ để tuyển sinh đầu vào thì vấn đề làm sao đánh giá được tính nghiêm túc của kỳ thi? Đây là câu hỏi khiến nhiều người còn băn khoăn.

TS. Lê Viết Khuyến thì cho rằng, để đảm bảo cho một kỳ thi nghiêm túc ở đây cần có 2 điều kiện. Thứ nhất, Bộ GD&ĐT phải huy động sức mạnh của toàn ngành, toàn xã hội để giữ gìn kỷ cương kỳ thi. Bộ phải trực tiếp chỉ đạo, không khoán gọn cho địa phương. 

Thứ hai, Bộ phải chỉ đạo thật tốt khâu làm đề thi và xây dựng đáp án; Đề thi phải đảm bảo tính chuẩn mực, đáp án phải phù hợp với chuẩn đầu ra của chương trình phổ thông đã được Bộ công bố.

Nhìn nhận từ kết quả của kỳ thi tốt nghiệp phổ thông năm 2014 cho thấy, điều kiện đầu đã được cải thiện nhưng điều kiện 2 chưa đáp ứng để có thể cho phép các trường tin tưởng dựa vào kết quả của kỳ thi quốc gia chung để xét tuyển vào trường của mình. 

Bởi, theo TS. Khuyến trên thế giới khó tìm thấy nơi đâu có kỳ thi tốt nghiệp mà tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đến 99,2%. Chính kết quả "kỳ lạ" đó làm cho xã hội hoài nghi ở chất lượng của kỳ thi này, dẫn tới ý nghĩ tiêu cực là nên bỏ kỳ thi này.

Nên xem như một dịch vụ công ích

Gần đây có một số ý kiến cho rằng nên bỏ mục tiêu thi tốt nghiệp phổ thông hoặc nên giao cho các địa phương tự tổ chức kỳ thi này và Bộ GD&ĐT chỉ tập trung chỉ đạo thật tốt kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng mang tính quốc gia. Luồng ý kiến khác lại nói, 2 kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng có mục tiêu khác nhau nên không thể nhập làm một.

Bày tỏ quan điểm về luồng ý kiến này, TS. Lê Viết Khuyến cho biết, cả hai luồng ý kiến trên chưa thực sự chính xác.

Nếu cho rằng giao kỳ thi tốt nghiệp THPT cho các địa phương tổ chức sẽ nảy sinh "bệnh thành tích", trong khi hệ thống kiểm định cho giáo dục phổ thông lại chưa hình thành nên nếu bỏ mục tiêu thi tốt nghiệp phổ thông ở tầm quốc gia sẽ phải chấp nhận hy sinh toàn bộ hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm –đây là một hậu quả nghiêm trọng không thể lường hết được.

Sẽ chỉ còn một kỳ thi quốc gia chung với hai mục tiêu là công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh và làm dữ liệu cho các trường ĐH, CĐ tuyển sinh đầu vào.

Hay như kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ có hai mục tiêu khác nhau nên không thể gộp chung? TS. Khuyến dẫn chứng: “Điều 34 Luật Giáo dục đại học đã khẳng định trường đại học, trường cao đẳng tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh (bao gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển). Do đó dưới góc độ tuyển sinh kỳ thi quốc gia chung chỉ nên xem như là một dịch vụ công ích của Bộ GD& ĐT giúp các trường thể hiện quyền tự chủ tuyển sinh của mình”. 

Cũng theo TS. Khuyến, đến khi tổ chức kỳ thi quốc gia chung các trường chỉ cần dựa vào kết quả đó thì đa số các trường có thể đặt ra những tiêu chí thích hợp khác nhau để tuyển sinh vào trường mình. 

Thậm chí các trường đẳng cấp cao, các trường năng khiếu có thể kết quả của kỳ thi quốc gia chung chỉ mới là điểm sơ tuyển. Muốn có kết quả chung tuyển các trường này cần tổ chức riêng cho mình các kỳ thi năng khiếu, thi nâng cao hoặc phỏng vấn.

"Đưa ra Quốc hội mà không nói gì đến chuyện kinh phí là không được đâu, nói như anh Luận ở hội trường là không xong", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.

Cách tuyển sinh như vậy được sử dụng rất phổ biến ở phần lớn trường nước ngoài cũng như ở một số trường tại Việt Nam (ví dụ như Trường Đại học Quốc tế RMIT,…).

TS. Khuyến cho rằng, để sớm triển khai 1 kỳ thi quốc gia Bộ cần thực sự thông suốt, đồng tình với chủ trương này và tích cực chủ động chuẩn bị thực sự cho kỳ thi. Điều đó trước hết thể hiện ở việc Bộ cần công bố ngay ở quý 3 một đề án cụ thể, như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. 

Bên cạnh đó, việc lắng nghe ý kiến của các chuyên gia uy tín và của toàn xã hội đối với Bộ GD&ĐT là rất cần thiết. Tuy nhiên, theo TS. Khuyến đây lại là điểm yếu nhất của Bộ trong nhiều năm qua. 

Những kiến nghị của các chuyên gia, của các nhà giáo dục với Bộ thường ít được Bộ phản hồi - Thí dụ như đối với chủ trương 1 kỳ thi quốc gia trong mấy năm qua Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng ngoài công lập Việt Nam đã 2 lần gửi các đề cương đề án tới Bộ GD&ĐT nhưng cả hai lần đều không có trả lời phản hồi, cũng như không có một lần được các thành viên của Bộ đến nghe ý kiến chính thức của Hiệp hội sau khi nhận được các kiến nghị.

Quan trọng nhất là tính trung thực của kỳ thi quốc gia tới đâu?

Cũng liên quan tới chủ đề này, thầy Trần Trung Hiếu (một giáo viên dạy Lịch sử, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu – Nghệ An) cho biết, thầy đồng tình với chủ trương của Chính phủ khi đồng ý tổ chức kỳ thi quốc gia chung vào năm 2015, bởi kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua không giải quyết được những yêu cầu mấu chốt nhất, xảy ra nhiều yếu tố bất cập mặc dù Bộ đã cố gắng đổi mới cách thi và môn thi.

Theo thầy Hiếu, chất lượng tốt nghiệp vừa qua không phản ánh được tất cả, qua con số liệu tỷ lệ đỗ tốt nghiệp có nhiều tỉnh tới 99%. Do đó nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp và chuyển hai kỳ thi làm một.

Tuy nhiên, thầy Hiếu cũng băn khoăn, để giải quyết kỳ thi hai trong một thì cần một quá trình chuẩn bị, nếu năm tới tổ chức kỳ thi quốc gia phải chuẩn bị ngay từ dịp hè năm 2014. Bởi sẽ đụng vào kế hoạch giảng dạy, phân công chuyên môn ở trường phổ thông giáo viên, lựa chọn môn thi tốt nghiệp của học sinh.

Theo quan điểm của thầy Hiếu, việc gộp 2 kỳ thi vào một ắt sẽ nảy sinh nhiều bất cập nếu không được chuẩn bị chu đáo về mặt tâm lý, điều kiện dạy học.

Vậy khi chúng ta đã thực hiện một kỳ thi quốc gia thì điều gì sẽ đảm bảo cho tính nghiêm túc của kỳ thi này? Thầy Trần Trung Hiêu cho rằng, việc giải quyết hai kỳ thi cùng một lúc sẽ nảy sinh ra áp lực: Học sinh hiện đang sống trong lo âu, mù mờ thông tin, hoang mang chưa biết các môn thi, khối thi sắp tới sẽ như thế nào. 

Theo thầy Hiếu khi sát nhập hai kỳ thi làm một, khâu quan trọng nhất là khâu coi thi. Nếu coi thi không nghiêm túc, không sòng phẳng sẽ sinh ra nhiều yếu tố phản tác dụng: “Ý tưởng gộp kỳ thi để đỡ tốn kém, bỏ thi tốt nghiệp vì bản thân chứa nhiều yếu tố bất cập, không phản ánh thực chất, nhưng cách thi và khâu thi nếu làm không tốt sẽ phản tác dụng. Nếu để trong năm tới thi có vẻ như hơi gấp” thầy Hiếu lưu ý thêm.

Trao đổi thêm, thầy Trần Trung Hiếu nhận định, dù có thi kiểu nào đi chăng nữa nhưng bệnh thành tích vẫn “ló ra”, khi bệnh thành tích có cơ hội ló ra có nghĩa kỳ thi chưa hoàn toàn phản ánh đúng thực chất của kỳ thi đó. 

“Bộ phải thăm dò ý kiến dư luận xã hội, đặc biệt la các nhà giáo đang giảng dạy ở phổ thông, bởi họ là người trực tiếp phải hứng chịu những quyết định đúng hoặc sai từ Bộ liên quan tới thi cử. Dù hai kỳ thi hay một kỳ thi nhưng tôi vẫn mong muốn kỳ thi đó phản ánh đúng thực chất lực học của học sinh. Phải thể hiện khả năng phân hóa, lựa chọn nghề nghiệp cho học sinh, để học sinh không rơi vào bất lợi” thầy Hiếu cho hay.

Theo Báo Giaoduc.net.vn

Các tin tức khác