Hotline: 0909 644 105 - 0974 471 457 kinhdoanhcty2@yahoo.com 136 Lê Văn Duyệt, Phường 1, Quận Bình Thạnh, TP HCM
Giỏ hàng(0)Giỏ hàng
Danh mục sản phẩm

Rối mù cụm thi

 

Rối mù cụm thi

Hiện các trường ĐH lẫn thí sinh vẫn chưa biết có bao nhiêu cụm thi, các giải pháp kỹ thuật cho cụm thi thế nào... Các chuyên gia cho rằng bài toán về cụm thi cần sớm có lời giải vì đây là yếu tố sống còn của một kỳ thi

Trong đề án tuyển sinh riêng của hơn 100 trường ĐH, CĐ vừa được công bố, tuyệt đại đa số đều dùng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển. Trong đó, hầu hết các trường công lập chỉ xét tuyển thí sinh (TS) tại cụm thi do các trường ĐH, CĐ tổ chức. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chưa cho biết trường ĐH, CĐ nào sẽ đảm trách vai trò tổ chức cụm thi, phân công nhiệm vụ và phối hợp giữa các sở GD-ĐT với các trường ĐH trong việc tổ chức cụm thi như thế nào...

Vác tù và…

Khái niệm “cụm thi” của kỳ thi THPT quốc gia 2015 lần đầu được nhắc đến là trong dự thảo phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia được Bộ GD-ĐT công bố vào cuối tháng 7. Theo đó, mỗi tỉnh, thành có thể có một hoặc một số cụm thi tập trung ở thành phố, thị xã, trị trấn. Điểm thi là các trường THPT và các trường ĐH, CĐ. Bộ GD-ĐT sẽ thảo luận với các tỉnh, thành để quyết định phương án thành lập các cụm thi quốc gia.

 

Thí sinh dự thi ĐH năm 2014 tại Trường ĐH Công nghệ TP HCM  Ảnh: TẤN THẠNH
Thí sinh dự thi ĐH năm 2014 tại Trường ĐH Công nghệ TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH

 

Theo Quyết định 3538 của Bộ GD-ĐT ngày 9-9, bộ sẽ công bố các cụm thi và giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức coi thi, chấm thi cho các trường ĐH đủ năng lực. Tại các địa phương không có cụm thi do trường ĐH chủ trì, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho TS tham dự kỳ thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT sẽ thống nhất với UBND cấp tỉnh tổ chức một số cụm thi do các sở GD-ĐT chủ trì. Như vậy, theo quyết định này, vai trò tổ chức cụm thi sẽ chủ yếu giao cho các trường ĐH.

Với việc đến nay vẫn chưa có quyết định rõ ràng về cụm thi cộng thêm việc tổ chức cụm thi là để sau khi thi xong, TS mới lấy kết quả đăng ký xét tuyển vào trường khác, TS và các trường hiện rất băn khoăn về cụm thi. Một chuyên gia giáo dục ĐH nhận định nếu trường ĐH nào tổ chức cụm thi thì gánh nặng rất lớn. Các năm trước, họ tổ chức thi là để lấy TS cho trường mình. Còn năm nay, với vai trò cụm thi, họ tổ chức thi để TS lấy kết quả xét vào trường khác. Do đó, các trường sẽ rất ngại đảm trách việc “vác tù và hàng tổng”.

Khi được hỏi Trường ĐH Tây Nguyên có lường trước việc trở thành một cụm thi, tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Trưởng Phòng Đào tạo, cho biết còn chờ quy chế tuyển sinh và các thông tư của bộ. Khi đó, trường mới tập trung vào việc này, còn hiện vẫn chưa hình dung cụ thể.

Tiến sĩ Mỵ Giang Sơn, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, lại cho rằng trước đây tổ chức 4 đợt thi thì nay tổ chức 1 đợt, về mặt xã hội sẽ giảm nhiều chi phí, giảm gánh nặng. Tuy nhiên, với trường tổ chức cụm thi thì trách nhiệm lại nặng nề. Bên cạnh đó, làm sao để cụm thi tổ chức thi nghiêm túc, kết quả tin cậy là điều cần được tính đến.

Bài toán kỹ thuật, kinh phí

Hiện bức tranh về cụm thi vẫn còn mù mờ, rối rắm. Nhiều vấn đề về kỹ thuật cho các cụm thi đã được các chuyên gia đặt ra. Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, hình dung: Do phần lớn TS của kỳ thi THPT quốc gia 2015 là học sinh đang học lớp 12 nên tốt nhất là cho TS đăng ký hồ sơ dự thi tại trường THPT. Sau đó, hồ sơ, dữ liệu sẽ được chuyển về các cụm thi của sở GD-ĐT và các trường ĐH được chỉ định phụ trách cụm thi. Lúc này, cụm thi sẽ nhập dữ liệu, in giấy báo thi và gửi cho TS. Riêng các TS đã tốt nghiệp THPT sẽ đăng ký dự thi các môn xét tuyển trực tiếp tại các cụm thi được chỉ định cho TS tự do.

Bên cạnh đó, cụm thi sẽ phải đảm trách việc in sao đề thi, tổ chức thi, chấm thi…, tổng hợp kết quả thi gửi về cho Bộ GD-ĐT. Sau khi rà soát, bộ gửi lại dữ liệu điểm thi của các TS chưa tốt nghiệp THPT về các sở GD-ĐT để xét tốt nghiệp THPT. Sau đó, bộ sẽ chuyển dữ liệu điểm thi của tất cả học sinh vừa được công nhận tốt nghiệp THPT năm 2015 và của TS tự do (đã tốt nghiệp từ những năm trước) về các trường ĐH, CĐ. Dựa trên đăng ký xét tuyển của TS, các trường kiểm tra dữ liệu để xét tuyển.

“Các quy định về xét tuyển cần được thống nhất sớm để vừa bảo đảm quyền lợi của TS vừa giảm thiểu tình trạng trúng tuyển ảo cho các trường ĐH, CĐ. Với khoảng hơn 1,2 triệu TS tham gia kỳ thi 2015 này, gánh nặng của các cụm thi là rất lớn, do đó cần sớm có quy chế cụ thể về cụm thi để các đơn vị được phân công phụ trách chuẩn bị thật tốt” - tiến sĩ Nghĩa đề xuất.

Theo phân tích của một chuyên gia, kinh phí để tổ chức thi tại một cụm thi là rất lớn. Nếu có khoảng 40.000 TS, một cụm thi sẽ phải thuê tối thiểu 1.600 phòng (khoảng 25 TS/phòng). Với giá thuê 1 phòng hiện nay khoảng 70.000 đồng thì chi phí cho khoản này hết 1,2 tỉ đồng. Cụm thi sẽ cần 3.200 cán bộ coi thi và chi phí trả tối thiểu cho 4 buổi thi (4 môn bắt buộc, thù lao khoảng 100.000 đồng/ buổi) là gần 1,3 tỉ đồng.

Ngoài ra, chi phí in đề thi, chấm thi cũng mất hàng tỉ đồng. Nếu tính cả các môn thi tự chọn thì số kinh phí còn tăng lên rất nhiều. “Mọi năm, kinh phí tổ chức kỳ thi tốt nghiệp rót cho các sở. Còn năm nay, kinh phí tổ chức cho cụm thi ra sao, lệ phí thi của TS thế nào cần phải tính toán, phân bổ hợp lý. Nếu không, các trường tổ chức cụm thi sẽ lỗ nặng” - chuyên gia này băn khoăn. 

 

Công bố đề án tuyển sinh chi tiết trước 1-1-2015

Bộ GD-ĐT ngày 16-10 cho biết kết thúc thời hạn các trường phải công bố phương án tuyển sinh, bộ đã nhận được hơn 100 đề án tuyển sinh riêng.

Thống kê ban đầu cho thấy hầu hết các đề án mà bộ nhận được đều sử dụng cả 2 phương thức tuyển sinh là kỳ thi quốc gia và xét tuyển học bạ THPT song các trường quy định tỉ lệ sử dụng 2 phương thức khác nhau. Một số trường, đặc biệt là trường mọi năm có điểm chuẩn cao, cho hay sẽ có thêm hình thức sơ tuyển hoặc đặt ra điều kiện để TS được nộp hồ sơ dự tuyển. Hầu hết các trường đều khẳng định sẽ không tuyển TS của những cụm thi địa phương do các sở GD-ĐT tổ chức.

Theo ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng - Bộ GD-ĐT, nhiều trường vẫn đang trong quá trình hoàn thiện đề án tuyển sinh, chỉnh sửa các sai sót về mặt kỹ thuật. Bộ GD-ĐT sẽ gia hạn thời gian đưa đề án tuyển sinh của các trường lên trang web đến ngày 20-11-2014. Các trường sẽ công bố cụ thể đề án tuyển sinh trước ngày 1-1-2015. Y.Anh

 

GIA THÙY
Báo Người Lao động Online

Các tin tức khác