Hotline: 0909 644 105 - 0974 471 457 kinhdoanhcty2@yahoo.com 136 Lê Văn Duyệt, Phường 1, Quận Bình Thạnh, TP HCM
Giỏ hàng(0)Giỏ hàng
Danh mục sản phẩm

Sao lại “độc diễn” làm SGK?

 

Sao lại “độc diễn” làm SGK?

Sách giáo khoa các cấp hiện vẫn quá tải, một số nội dung trùng lặp, xa rời thực tế, lạ lẫm với tâm lý lứa tuổi. Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục “ôm” làm bộ sách giáo khoa thì khó tránh khỏi lối mòn và sẽ gây ra nhiều hệ lụy

Cách đây chưa lâu, trong bài “Xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa mới” do tác giả Hồng Thắm biên tập từ nguồn của Báo Điện tử Chính phủ có đề cập đến ý kiến của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Vũ Luận: Bộ sẽ xây dựng một bộ khung chương trình chuẩn, trong đó quy định các nội dung cơ bản, các tiêu chí đánh giá chất lượng học sinh mà các bộ sách giáo khoa (SGK) phải bảo đảm. Như vậy, việc biên soạn SGK lần này sẽ không phải độc quyền do bộ chủ trì thực hiện, triển khai mà sẽ có sự tham gia rộng rãi của các tổ chức cá nhân để phát huy trí tuệ tập thể. Ở một đoạn khác của tài liệu nêu trên bộ trưởng cũng khẳng định: Việc biên soạn SGK mới sẽ được xã hội hóa tới mức cao nhất có thể.

 

Sách giáo khoa hiện nay bị cho là quá tải và xa rời thực tế. Ảnh: TẤN THẠNH

Sách giáo khoa hiện nay bị cho là quá tải và xa rời thực tế. Ảnh: TẤN THẠNH

 

Không thể cạnh tranh!

Tuy nhiên, tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 27-9, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận lại khẳng định Bộ GD-ĐT sẽ tham gia biên soạn SGK. Những tập thể, cá nhân đã và đang háo hức chuẩn bị tâm thế, điều kiện để tham gia biên soạn SGK chắc hẳn sẽ chững lại trước tuyên bố này. Bởi ai cũng có thể tiên lượng được điều: Chắc chắn các cơ sở đào tạo sẽ phải chọn giải pháp an toàn là dùng sách của bộ. Lúc đó liệu các tác giả có còn ý chí, cảm hứng để thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục?

Một khi bộ là cơ quan chủ quản xây dựng nội dung chương trình, hệ thống các tiêu chí thẩm định, đồng thời là nơi tổ chức biên soạn một bộ SGK thì những hệ lụy từng diễn ra lâu nay mang hơi hướng của độc quyền, độc đoán, thậm chí cả độc diễn làm sao tránh khỏi? Nếu Bộ GD-ĐT vẫn giữ ý kiến của mình thì rõ ràng sự bất hợp lý là quá rõ. Sự cạnh tranh giữa các cá nhân, nhóm tác giả với Bộ GD-ĐT trong biên soạn SGK là hoàn toàn bất bình đẳng.

Vẫn biết so sánh không phải lúc nào cũng đúng nhưng tại sao trong khi lâu nay Bộ GD-ĐT và các cơ sở đào tạo từng dành những khoản ngân sách khá tốn kém để tập huấn học tập các quốc gia tiên tiến trên thế giới về phương pháp dạy học nhưng cái cần học tập nhất là kinh nghiệm quản lý nhằm thay đổi hệ thống giáo dục vốn trì trệ, “lạc đường” lâu nay lại ít được quan tâm? Tại sao Bộ GD-ĐT lại cứ muốn “ôm vào, vươn xa” quá nhiều việc như thế để rồi đội ngũ cán bộ khoa học giáo dục, những nhà giáo giỏi nghề, đầy nhiệt huyết không có cơ hội cống hiến, sáng tạo? Chẳng ai hồn nhiên, vô tư đến mức lao tâm khổ tứ làm cái công việc mà biết chắc sản phẩm của mình tạo ra có thể chỉ được đưa vào danh mục tham khảo.

“Bánh” ngân sách làm sao buông!

Chúng tôi đang băn khoăn với hàng loạt câu hỏi: Trước sự thúc bách của thời gian, trong thời điểm dầu sôi lửa bỏng này, đặc biệt là khi đề án đổi mới kỳ thi quốc gia đang ngổn ngang như hiện nay, tại sao Bộ GD-ĐT không lo tập trung ý kiến để giải quyết cho rốt ráo, đáp ứng sự chờ đợi của nhân dân, lại cứ muốn ôm thêm cả việc biên soạn SGK. Vì trách nhiệm ư? Hay thiếu niềm tin vào đội ngũ cán bộ khoa học giáo dục? Thật khó để có thể tìm câu trả lời cho thỏa đáng nếu như không thẳng thắn với nhau. Đó chỉ là vì miếng bánh ngân sách mà bộ chủ quản cảm thấy không muốn, không thể nào buông bỏ.

Cách đây vài năm, hiện tượng Trường Thực nghiệm ở Hà Nội có số hồ sơ đăng ký so với định mức học sinh được nhận vào trường cao chưa từng thấy khiến xã hội vui mừng.  Xã hội đã thừa nhận sự đổi mới trước hết là từ nội dung chương trình SGK. Nhóm “Cánh buồm” gồm những nhà giáo tâm huyết đã bỏ công sức biên soạn bộ SGK tiểu học mà theo đánh giá của phụ huynh là “thực sự đổi mới, rất hay”. Học sinh tiếp nhận một cách thích thú, giáo viên giảng dạy đầy hứng khởi. Chất lượng đầu ra hoàn toàn yên tâm. Nhiều nhà giáo đã thật sự cảm phục trước khát vọng làm “điều gì đó” cho giáo dục nước nhà của nhóm tác giả này nhưng cũng không khỏi ái ngại cho họ bởi công sức, tiền bạc bỏ ra lớn hơn nhiều so với thực tế ứng dụng.

Cho đến thời điểm này, chỉ có một vài trường dũng cảm sử dụng SGK của nhóm “Cánh buồm” chỉ vì nó không giống chương trình của bộ, không phải sách do bộ biên soạn. Tương tự là chương trình công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại trước đây. Một bộ sách có nhiều khác biệt về nội dung lẫn phương pháp dạy - học so với chương trình đại trà; đào tạo ra những thế hệ học sinh có chất lượng toàn diện đã bị chính Bộ GD-ĐT khai tử.

Đã có quá nhiều ý kiến bàn luận xung quanh vấn đề này và những cảnh báo, kiến nghị của các cá nhân, tập thể có giống như tung nắm đấm vào hư không? Thiết nghĩ, trong quá trình thực hiện trọng trách được cả xã hội quan tâm theo dõi thì bất kỳ ai trong bộ máy giáo dục cũng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, cao hơn cả là phải biết hy sinh. Hy sinh cái lợi trước mắt của một số ít người để được cái lợi lớn hơn về lâu về dài cho thế hệ tương lai của đất nước là điều cần làm ở thời điểm hiện tại. 

 

Khó tránh khỏi lối mòn

Theo đánh giá của các chuyên gia về những lần đổi mới SGK trước đây do Bộ GD-ĐT chủ trì thì ngoài một vài thay đổi (chứ không hẳn là đổi mới) SGK các cấp vẫn quá tải, một số nội dung trùng lặp, xa rời thực tế, lạ lẫm với tâm lý lứa tuổi. Vậy vấn đề đặt ra trước hết là phải có sự bàn bạc thống nhất về khung chương trình thật ổn thỏa, sau đó mới bàn tính đến quy trình biên soạn SGK. Nội dung chương trình này phải là kết quả thảo luận kỹ càng, nhất quán của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo dày dạn kinh nghiêm, có tầm nhìn sao cho vừa bảo đảm yêu cầu tri thức, kỹ năng vừa đáp ứng nhu cầu bồi dưỡng đạo đức nhân cách cho người học. Yêu cầu này không thể một mình Bộ GD-ĐT “độc diễn”. Nếu không, việc đi theo vết mòn như những lần thay sách trước là khó tránh khỏi.

 

Dương Thanh Huyền (Trường ĐH Nha Trang)
Báo Người Lao động Online

Các tin tức khác